Xuất bản thông tin

null VƯỜN QUỐC GIA TRÀM CHIM TIẾP VÀ LÀM VIỆC VỚI CHUYÊN GIA CỦA HỘI SẾU QUỐC TẾ (ICF)

Chi tiết bài viết Tin tức

VƯỜN QUỐC GIA TRÀM CHIM TIẾP VÀ LÀM VIỆC VỚI CHUYÊN GIA CỦA HỘI SẾU QUỐC TẾ (ICF)

Trong khuôn khổ chương trình hợp tác bảo tồn và phát triển đàn sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia (VQG) Tràm Chim giữa tỉnh Đồng Tháp, Hội Sếu quốc tế, Hiệp hội công viên động vật Thái Lan và Hội Vườn thú Việt Nam.

Được sự thống nhất của UBND tỉnh Đồng Tháp, vừa qua từ ngày 02/4/2024 đến ngày 06/04/2024 VQG Tràm Chim tiếp và làm việc với đoàn chuyên gia của Hội Sếu quốc tế (ICF). Thành phần của đoàn gồm: TS Trần Triết - Giám đốc Chương trình Đông Nam Á; Bà Diana Jean Boon - Bác sĩ Thú y, Trưởng phòng Y học Bảo tồn; Bà Kimberly Heather Boardman - Trưởng bộ phận chăm sóc sếu.

Mục đích của đoàn đến Tràm Chim nhằm giúp Vườn lập kế hoạch phát triển cơ sở vật chất cho chương trình nuôi thả Sếu; khả năng tiếp nhận, chăm sóc, thả ra môi trường tự nhiên và theo dõi đàn Sếu; đánh giá khả năng chăm sóc thú y cho đàn Sếu. Ngoài ra, đoàn còn khảo sát chuồng nuôi Sếu tại Khu A3, khảo sát vùng lõi VQG Tràm Chim nơi dự định thả Sếu tại Khu A1, A4, A5. Tập huấn viên chức, nhân viên VQG Tràm Chim về các vấn đề liên quan đến chương trình nuôi thả Sếu trong thời gian tới.

Qua đợt khảo sát, bước đầu đoàn nhận thấy, việc điều tiết nước hợp lý giúp cho hệ sinh thái tại Khu A1, A4, A5 phục hồi rất tốt, chim về trú ngụ rất nhiều, kể cả hệ thực vật cũng phát triển theo như: Năng kim, hoàng đầu ấn… cây tràm cũng bắt đầu phát triển trở lại. Bên cạnh đó, cây mai dương (loài ngoại lai) đang phát triển rất nhanh cần phải có biện pháp kiểm soát sớm hơn.

Vào ngày 05/4/2024 đoàn tập huấn cho viên chức và nhân viên VQG Tràm Chim rất chi tiết về quy trình vận chuyển; chăm sóc Sếu; xây dựng chuồng trại; cách thức phòng bệnh; cách ly v.v.

Để tổng kết các nội dung làm việc tại VQG Tràm Chim, ngày 06/4/2024, đoàn chuyên gia ICF cùng chuyên gia kỹ thuật nuôi nhốt Sếu tại Thảo Cầm Viên (Thành phố Hồ Chí Minh), Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Kiểm Lâm, Chi cục Thú y tỉnh, Thú y huyện Tam Nông) và VQG Tràm Chim có buổi trao đổi về đợt khảo sát vừa qua, các quy trình từ khâu: Sếu ghép đôi cho sinh sản đến khâu thả Sếu ra môi trường tự nhiên; biện pháp cách ly; phòng bệnh… và định hướng trong thời gian tới. Theo nội dung Đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ, các chuyên gia đề nghị VQG Tràm Chim tham khảo thêm các quy trình hướng dẫn chăm sóc, nuôi nhốt Sếu của ICF cũng như một số tổ chức khác để cụ thể hóa thành tài liệu triển khai tại Vườn Quốc gia Tràm Chim; chuẩn bị nhân lực; cơ sở vật chất, đồng thời đoàn còn đề xuất xây dựng một số chuồng tạm nơi thả Sếu tại Khu A4 để Sếu quen dần sinh cảnh trước khi thả chúng ra tự nhiên.

Qua buổi làm việc, Ban giám đốc VQG Tràm Chim cảm ơn đoàn, chuyên gia của Thảo Cầm Viên cùng các ngành đã sắp xếp thời gian đến hỗ trợ Vườn để hoàn thiện các bước về cơ sở vật chất, quy trình và nhân sự chuyên môn để đảm bảo thực hiện việc nuôi nhốt Sếu đầu đỏ và thả ra môi trường tự nhiên một cách tốt nhất trong thời gian tới.

(Nguyễn Hoàng Minh Hải – Vườn Quốc gia Tràm Chim)